TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN – HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
Thứ bảy - 19/10/2019 19:12
TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN – HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
Sừng sững bên Quốc lộ 14, trường THPT Lê Quý Đôn trải dài theo hướng Đông – Tây với dãy lầu ba tầng màu xanh mát dịu đầy kiêu hãnh. Đối diện chếch sang trái là UBND xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Hai mươi năm, một chặng đường khá dài để ngôi trường có lịch sử tên gọi PTTH với nhiều cấp học tự khẳng định mình, phấn đấu vươn lên gặt hái những thành công trên nhiều phương diện về cơ sở vật chất cũng như chất lượng chuyên môn, đáp ứng lòng mong mỏi cùng niềm tin của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh .
Trường THPT Lê Quý Đôn được xây dựng mới
Những ai có mặt từ buổi đầu trường mới thành lập chắc hẳn chẳng bao giờ quên được những khó khăn chồng chất: Phòng học thiếu, giáo viên (GV) thiếu, điện nước thiếu, chỗ ở thiếu… Chỉ có học sinh (HS) là…thừa. Như một phân hiệu của trường THPT Bù Đăng, sinh sau đẻ muộn, trường PTTH Lê Quý Đôn tiếp quản một lượng lớn học sinh của nhiều địa bàn như Phước Tín, Nghĩa Trung, Phước Sơn Đăng Hà, Thống Nhất, Đồng Tâm. Học sinh nhiều, phòng học thiếu nên phải học ba ca (Sáng – trưa – chiều), học cả ở nhà xe giữa bụi đất và tiếng ồn ào của xe cộ, có lúc gió xoáy nổi lên, bụi đỏ trùm lên lớp học, thầy và trò lấm lem trông thật tội nghiệp. Những giáo viên dạy cấp III của trường ngày ấy theo tiếng gọi của ngành GD – ĐT Bình Phước đã từ khắp mọi miền đất nước đến hội tụ tại trường từ năm học 1999 -2000 như thầy Nguyễn Bá Trường, thầy Lý Cao Hanh, thầy Nguyễn Mỹ Toàn, cô Phạm Thị Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Tâm, cô Võ Thị Ngọc Yến, rồi sau đó là cô Phạm Thị Ba, cô Phạm Thị Minh Hưng, thầy Nguyễn Ngọc Thắng, thầy Mai Văn Tám, thầy Võ Dũng (Đã mất), thầy Trần Tuấn Ngọc (Đã mất), thầy Bùi Huy Giáp, cô Võ Thị Quỳnh Trang, cô Nguyễn Thị Tuyến cùng nhiều thầy cô khác đến rồi đi như một cơn mưa chiều bất chợt. Những giáo viên dạy cấp II kỳ cựu từ trường cấp I - II Đức Liễu ra như thầy Lê Văn Thanh, thầy Trần Minh Tám, thầy Đinh Kim Hoàng, cô Nguyễn Thị Bích Phương, cô Cao Thị Thủy, cô Từ Thị Ngọc Lan…cùng những thầy cô vừa tốt nghiệp CĐSP như cô Huỳnh Thị Mỹ Lý, cô Trần Thị Quyên, cô Trần Thị Phượng, cô Lê Thị Thủy, cô Nguyễn Thị Bích Trang, cô Nguyễn Thị Minh Nhật, cô Nguyễn Thị Hòa, thầy Nguyễn Đình Hiền, thầy Võ Thành Nhân, thầy Võ Trọng Quỳnh, thầy Đinh Văn Bưu…đã xây dựng nên một mái nhà đầm ấm. Do thiếu giáo viên nghiêm trọng, đặc biệt là các môn tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học, kỹ thuật công nghiệp…mà hầu hết các GV đều phải dạy chéo môn. Các GV Văn, bên cạnh dạy thêm môn GDCD cấp III còn kèm thêm các môn khác như kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp cấp II. Các GV dạy Toán thì kiêm thêm môn công nghệ, thậm chí là đôn GV dạy cấp II lên dạy cấp III như môn Lý, môn Địa. GV dạy Địa thì dạy luôn cả Thể dục, v.v... Thế nhưng vẫn thiếu nên phải xin tăng cường từ các trường bạn như thầy Tân, thầy Bình của trường THPT Bù Đăng, thầy Thiêm của trường THPT dân tộc nội trú. Thời gian rảnh của GV hầu như không có, vừa dạy ca sáng về, chưa kịp ăn uống hoặc ăn qua quýt tô mì tôm lại phải lên lớp dạy ca trưa. Vừa hết ca trưa lại chuyển sang ca chiều. Công việc như vắt kiệt sức của GV. Có GV dạy trên ba mươi tiết với nhiều môn khác nhau nên chấm bài là một trong những khâu chịu nhiều áp lực nhất, phải thức khuya dậy sớm mới hoàn thành công việc. Áp lực công việc nhiều nhưng cuộc sống thì vô cùng thiếu thốn, đồng lương ít ỏi. Hồi ấy giáo viên mới vào nghề với tấm bằng Đại học mỗi tháng chỉ có 607.000 đồng, hệ số lương 1,86, chi tiêu cứ hụt lên hụt xuống, ăn trước trả sau. Đa số ở nhờ khu tập thể Lâm trường, không ai có xe máy, cứ cuốc bộ lên, về gần một cây số để đi dạy ba ca, thở không ra hơi. Thầy Đào Mạnh Thảo (Hiệu trưởng) cùng trọ với tám GV ở một cái chái tạm bợ của nhà ông Trần Dục gồm thầy Nguyễn Duy Tuyền, thầy Nguyễn Ngọc Thắng, thầy Đinh Văn Bưu, thầy Võ Dũng, thầy Mai Văn Tám, thầy Nguyễn Đình Hiền, thầy Bùi Huy Giáp, thầy Đoàn Nguyên Bình. Cả nhóm phải mua sắm soong nồi, bát đũa, bếp núc, phân công nhau trực nhật, đi chợ, nấu ăn đúng như kỷ luật quân đội. Mặc dù vất vả nhưng cũng thật vui, nơi đây trở thành trung tâm thu hút GV trong trường đến tổ chức vui chơi, đàn hát, chuyện trò… để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Thế rồi, dần dần nhà trường có xây dựng được vài căn phòng tập thể, một số GV mượn đất nhà trường để tự xây cất ổn định chỗ ở, một số GV về sau nữa thì thuê nhà dân ở theo nhóm, như nhóm của thầy Nguyễn Văn Phát, thầy Ngô Đức Toàn, thầy Huỳnh Văn Thông, thầy Nguyễn Đức Tính, thầy Võ Thành Nhân, thầy Đoàn Vang…tạm thời giải quyết được khâu phải đi dạy xa nhưng mọi cái vẫn thiếu thốn nghiêm trọng, đặc biệt là : không có điện, không có nước, phải nhờ vả vào Ngân hàng và dân ở bên ngoài. Vẫn còn nhớ, nhà trường có một cái giếng đào nhưng nước rất ít, lúc nhiều nước nhất cũng chỉ quay được khoảng hơn một trăm lít nhưng đục ngầu phải để lóng xuống hai ba ngày mới dùng được. Thế mà tất cả phải chầu chực để quay nước, nhiều khi hai, ba giờ sáng vẫn còn nghe tiếng tay quay kẽo kẹt, nghĩ lai mà rơi nước mắt. Thầy Huỳnh Văn Thông (Hiện nay là hiệu phó nhà trường) lúc ấy mới về vẫn hay nhắc đến chi tiết quay nước để so sánh cuộc sống ngày ấy và bây giờ khác nhau một trời một vực. Nhưng cũng chính vì sự khó khăn đó mà tất cả các giáo viên của trường luôn yêu thương, đùm bộc lẫn nhau, cùng với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã từng bước xây dựng ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp.Thầy Nguyễn Bá Trường lúc ấy phụ trách lao động đã đôn đốc GV, HS đào từng gốc cây, múc từng xẻng đất để san lấp mặt bằng sân trường; huy động học sinh chặt tre lồ ô để làm bờ rào khuôn viên trường(Bởi vì trường chỉ có mặt trước là tường xây, ba mặt còn lại trống trơn, không có gì che chắn). Khi thầy Đỗ Văn Dâng về làm hiệu trưởng thay thầy Đào Mạnh Thảo (Xin về Đồng Xoài cho gần nhà), trường vẫn còn ngổn ngang, bề bộn, nhếch nhác. Tất cả lại tiếp tục hành trình cải tạo, làm rào lưới B40 thay cho rào tre lồ ô, làm đường bê tông vào cổng chính. Rồi cũng chính GV tự tay cầm dụng cụ của thợ hồ gắn từng ghế đá, làm từng con đường bê tông trong khuôn viên nhà trường, làm sân cầu lông, làm sân khấu để biểu diễn văn nghệ và tổ chức những ngày lễ lớn cũng như để chào cờ đầu tuần. Nhà trường cũng phát động trồng cây xanh, tạo cảnh quan và bóng mát cho HS vui chơi, học tập ngoài trời. Những hàng cây xà cừ rợp bóng mát, cảnh quan nhà trường xanh – sạch – đẹp mà trường THCS Nguyễn Trường Tộ đang thừa hưởng chính là thành quả của những thế hệ GV và HS trường PTTH Lê Quý Đôn xây dựng nên.
Những thế hệ GV đầu tiên của trường có lẽ không ai quên được thầy Đào Mạnh Thảo (Cố hiệu trưởng của trường) với tính cách hiền lành, hòa nhã, luôn động viên đồng nghiệp vào mỗi buổi sáng bằng câu hỏi: Các đồng chí đã có tình yêu chưa? Một câu hỏi đơn sơ mà đã khơi dậy bao niềm vui ở tuổi trẻ. Giờ thầy đã đi xa nhưng những kỷ niệm đẹp về thầy cùng những phẩm chất đáng quý sẽ luôn là hành trang theo họ trong suốt sự nghiệp trồng người.
Qua bao biến cố thăng trầm, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, trường THPT Lê Quý Đôn hôm nay đã thực sự chuyển mình. Với quyết tâm xây dựng nhà trường thành địa chỉ giáo dục có thương hiệu trong khu vực và trong toàn tỉnh, các đồng chí từng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng điều hành qua các thời kỳ khác nhau như thầy Đào Mạnh Thảo, thầy Đỗ Văn Dâng, thầy Vũ Quang Thiêm, thầy Trương Tuấn Ngà, thầy Nguyễn Văn Phát, thầy Huỳnh Văn Thông, và tiếp quản nhà trường hiện tại là cô Lê Thị Bích Hạnh – Phó hiệu trưởng phụ trách, điều hành đã đem hết tâm huyết cùng những quyết sách và cách riêng của mình làm cho nhà trường ngày càng có sự tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Được sự quan tâm của ngành GD – ĐT Bình Phước, trường được đầu tư xây dựng mới với hai mươi bảy phòng học, khu hiệu bộ, khu phòng chức năng khang trang, đầy đủ trang thiết bị. Khuôn viên được hỗ trợ kinh phí trồng cây xanh, lát gạch chống trơn sạch đẹp. Đoàn trường đã phát động đoàn viên thanh niên xây dựng các công trình có ý nghĩa như bảng tin, rèm cửa, dù che, bồn hoa, cây kiểng… với tổng kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng, góp phần cùng nhà trường thực hiện tốt phong trào xanh – sạch – đẹp mà Bộ GD – ĐT phát động.
Cô Lê Thị Bích Hạnh nhận QĐ bổ nhiệm Hiệu phó phụ trách của Sở GD - ĐT.
Bên cạnh thay đổi về diện mạo bên ngoài, trường được đánh giá cao là nơi đào tạo học sinh có chất lượng. Nhiều năm liền tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 100%, nằm trong tốp đầu của 33 trường trong toàn tỉnh. Số lượng học sinh giỏi tỉnh ngày càng tăng cao, lúc đầu chỉ có ba giải khuyến khích ở các môn Lý, Hóa, Sinh, nhưng hiện nay con số ấy đã tăng lên gần sáu lần với nhiều môn học, trong đó có nhiều giải nhì, giải ba ở các môn Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Hóa học, GDCD. Đặc biệt, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, ngoài các giải của tỉnh và quốc gia, em Đậu Bá Kiên đã đoạt huy chương bạc quốc tế. Đó không chỉ niềm tự hào của nhà trường mà còn là niềm tự hào của cả ngành giáo dục tỉnh nhà. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh, nhiều cuộc thi được tổ chức trong địa bàn Huyện hay do Sở tổ chức, trường đều đạt giải cao, điều đó cho thấy được tài năng cũng như tâm huyết của thầy và trò, được Tỉnh đoàn, Huyện Đoàn ghi nhận. Bản thân đồng chí Lê Đức Minh – Bí thư đoàn trường vinh dự được Trung ương Đoàn tặng bằng khen. Đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần đổi mới, tự học và sáng tạo, luôn tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trường hiện nay đã có bảy thạc sĩ và 100% GV đạt chuẩn theo thông tư 20 của Bộ GD –ĐT. Tương lai sẽ có nhiều GV tiếp tục đăng ký đi đào tạo sau đại học, đáp yêu cầu về tỷ lệ thạc sỹ khi trình cấp trên công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết với nghề mà nhiều cán bộ, giáo viên đã đạt được những thành tích xuất sắc, được Bộ GD –ĐT tặng bằng khen như thầy Trương Tuấn Ngà, thầy Nguyễn Văn Phát, thầy Huỳnh Văn Thông, cô Nguyễn Thị Nghị và UBND tỉnh tặng Bằng khen như thầy Phạm Văn Phú, thầy Đặng Quang Quyết, thầy Nguyễn Văn Hè, cô Võ Thị Ngọc Yến, cô Nguyễn Thị Duân, cô Lê Thị Lan Anh, cô Trần Thị Thu Hường, cô Nguyễn Thị Trà Giang, cô Phạm Thị Lan Giang, cô Trần Thị Huyền, cô Trần Hương Thảo, cô Nguyễn Thị Như Hạnh, cô Hoàng Thị Phụng Hảo…Có những giáo viên nhiều năm liền được Sở GD – ĐT Bình Phước tặng giấy khen như cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, cô Hồ Thị Bảo Lộc, thầy Lữ Văn Trung, cô Nguyễn Thị Nương, thầy Nguyễn Trường Sơn…Đặc biệt, thầy Nguyễn Ngọc Thắng hơn mười năm liên tục được Sở GD – ĐT tặng giấy khen.
Cán bộ, giáo viên trươngg THPT Lê Quý Đôn chụp ảnh lưu niệm cùng Phó chủ tịch Huyện Bù Đăng
( Bà Ngô Thị Nhành) cùng cán bộ, giáo viên trường kết nghĩa Lê Hồng Phong (Đăk – lăk)
nhân dịp tổng kết năm học 2002 - 2003
Cán bộ, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn dự lễ mit – tinh kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,
năm học 2016 – 2017.
Thấm thoắt, hai mươi năm đã trôi qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên có người đã về hưu, có thầy cô ngày nào mới về công tác tóc vẫn còn xanh nay đã điểm bạc, nhiều thầy cô đã chuyển trường hay chuyển công tác khác về đơn vị mới. Tất cả đều được đánh giá cao về chuyên môn cũng như đạo đức, tư cách nhà giáo. Nhiều HS ra trường hôm nay đã thành đạt, đã giữ nhiều vị trí quan trọng khác nhau trong xã hội như em Lê Văn Châu là giảng viên trường ĐH quân sự lục quân 2 ở Đồng Nai, em Đoàn Quang Hưng là giảng viên trường ĐH an ninh tại thành phố Hồ Chí Minh; em Lê Ngọc Thắng hiện đang là bác sĩ công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Nhiều em là cán bộ công an Tỉnh, công an Huyện như em Nguyễn Quang Tùng, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Mạnh Hùng, Đỗ Bình Dương… Nhiều em giữ những vị trí cốt cán ở các xã như em Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Nam, Lưu Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thùy Dương, Huỳnh Hoàng Linh…Một số em tiếp nối nghề nghiệp của thầy cô đã trở về giảng dạy tại địa phương với nhiều cấp học như ở mẫu giáo Tuổi Thơ, Hoa Lan có em Huyền, em Hoa, em Mai, em Chi; Ở trường THCS Nguyễn Trường Tộ, THCS Đức Liễu có em Xuân, em Vân, em Chung… Và ngay tại trường THPT Lê Quý Đôn có em Cần, em Coóng, em Vượng, em Thắng, em Duy, em Dương đang là GV của trường. Đáng tự hào là nhiều em đã trở thành các nhà doanh nghiệp trẻ thành đạt như em Lâm Thị Nhung, em Hoàng Thị Mỹ Phương, em Nguyễn Thị Cẩm Tú…với số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Vừa qua, với tấm lòng nhân ái, em Hoàng Thị Mỹ Phương – Công ty TNHH một thành viên Thiên Nhiên Việt đã tự nguyện trở về địa phương trao 100 phần quà(mỗi phần trị giá 150.000 đồng) cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt em đã dành ba mươi triệu đồng tiền mặt giúp chữa bệnh cho một gia đình bị máu trắng. Việc làm cao cả này đã khiến cho thầy cô, chính quyền và nhân dân xã Đức Liễu vô cùng cảm kích, trân trọng.
Thời gian đã làm dày thêm thành tích của trường cũng làm dày thêm bao kỷ niệm buồn vui, mà hơn hết nó làm dày thêm tình cảm nồng ấm mà bao thế hệ thầy cô đã dày công vun đắp từ những ngày đầu trường mới thành lập.
Nhằm ôn lại truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển nhà trường, ghi nhận và đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhà trường sau 20 năm phấn đấu; Xây dựng ý thức cho giáo viên, học sinh trong giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, khơi dậy niềm tự hào về nhà trường. Từ đó, xây dựng khối đoàn kết, nhất trí, tập trung xây dựng nhà trường vững bước phát triển; Giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu về nhà trường; Động viên, khích lệ tinh thần và quyết tâm phấn đấu của thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo, Chi bộ đã lên nghị quyết tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập trường vào dịp 20/11/2019. Đây là cơ hội để tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, cùng chung tay góp sức làm nên một dấu ấn thật đẹp về nhà trường mà chúng ta đã dày công xây dựng. Không những thế, lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường sẽ là dịp để các thế hệ GV, HS giao lưu, học hỏi, trao gửi yêu thương, cùng nhau xây dựng nhà trường ngày càng lớn mạnh trong chặng đường dài sắp tới.
Bù Đăng, ngày 14 tháng 10 năm 2019
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thắng