“Mỗi người làm một việc tốt theo gương Bác”

Thứ năm - 19/05/2022 21:06

Chi bộ Trường THPT Lê Quý Đôn trở thành điển hình, tiêu biểu toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

THI ĐUA “HAI TỐT”

Tại Đại hội thi đua trong ngành giáo dục tổ chức vào tháng 10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua “hai tốt” với yêu cầu: Noi gương các ngành khác, nâng cao nhiệt tình cách mạng, để thực hiện nhiệm vụ của ngành mình. Theo Bác, “hai tốt” nghĩa là dạy thật tốt theo nguyên lý giáo dục của Đảng, đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động phát triển toàn diện, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc; học thật tốt, khắc phục khó khăn, tiếp thu những kiến thức khoa học để tham gia xây dựng quê hương, có lý tưởng và sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương tặng hoa, giấy khen các chi, đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Đại diện Chi bộ Trường THPT Lê Quý Đôn (bìa trái) là một trong số đó

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Lê Thị Bích Hạnh cho biết, khắc ghi lời Bác dạy, xuyên suốt hoạt động dạy học, nhà trường đều gắn với việc học và làm theo Bác. Trước hết là từ chi bộ, sau đó triển khai sâu rộng đến các tổ chức, đoàn thể và tới từng đoàn viên, thanh niên, học sinh. Chi bộ có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đảng viên theo từng tháng. Định kỳ sinh hoạt chi bộ, các đảng viên triển khai chuyên đề, chủ điểm và có liên hệ thực tế tới bản thân, tập thể trường. Đầu năm, tập thể trường, các tổ chức, đoàn thể và các cá nhân đều đăng ký một việc làm thiết thực theo gương Bác, có sự theo dõi, giám sát của chi bộ. Trong giảng dạy, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới. Người dạy lấy người học làm trung tâm, quan tâm phát huy phẩm chất, năng lực của người học. Qua phong trào này đã có nhiều giáo viên gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo và đạt được thành tích xuất sắc. Tiêu biểu là cô Trần Thị Huyền, giáo viên môn Lịch sử. 

Để truyền cảm hứng cho học sinh, cô Huyền đã kết hợp nhiều phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đưa hình ảnh, video trực quan, sinh động về những nhân vật, sự kiện lịch sử. Đặc biệt, tùy từng chủ đề, chủ điểm, cô đều linh hoạt lồng ghép lịch sử Đảng bộ huyện, tỉnh vào bài giảng, giúp học sinh nhìn nhận vấn đề sát thực tiễn cuộc sống. Điều này không chỉ giúp học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử mà trong các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT, môn Lịch sử luôn đạt điểm cao. Trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh gần đây, cô Huyền đều được công nhận. Cách làm cụ thể của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên khác đã góp phần đưa phong trào thi đua “hai tốt” của Trường THPT Lê Quý Đôn ngày càng chất lượng, hiệu quả. Nhiều năm liền trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, trong đó nhiều học sinh đậu đại học với số điểm cao.

Cùng với đó, phong trào sáng tạo trẻ cũng là điểm sáng, thế mạnh của trường những năm qua, khi có nhiều sản phẩm, giải pháp đạt chất lượng cao trong cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh. Trong đó, cuộc thi năm 2020-2021, sản phẩm “Thiết bị chỉnh độ sáng và tư thế ngồi cho học sinh khi học online” của nhóm tác giả Lê Văn Truyền, Lê Nguyễn Quang Vinh cùng lớp 12A1 đạt giải nhì cấp tỉnh vì ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Theo cô Hạnh, học và làm theo Bác không phải là vấn đề gì đó quá cao xa, phức tạp mà từ những việc đơn giản hằng ngày. Qua các buổi họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt dưới cờ hay các tiết học trải nghiệm, trường đều giới thiệu một vài hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn để nhân rộng. Trường xây dựng văn hóa “xin lỗi, cảm ơn”, giáo dục mọi người đức tính khiêm tốn, ứng xử văn minh, lịch sự, biết nhận lỗi, không né tránh. Lồng ghép các câu chuyện về tình thương của Bác đối với người nghèo khổ để giáo dục học sinh, từ đó những hành động đẹp trong trường từng bước được lan tỏa sâu rộng. 

Để phòng, chống dịch hiệu quả, các em Trương Thị Ngọc Ngân, lớp 10C1 và Huỳnh Nguyễn Nhật Phong, lớp 10C3 đã tự nguyện đem khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tặng những bạn học khó khăn hơn mình. Khi bạn học không may bị gãy chân thì được em Tạ Quang Dũng, lớp 12A10 cõng từ cổng lên lầu 3 để học trong nhiều tháng liền. Chị lao công Nguyễn Thanh Thủy khi quét lớp nhặt được tiền, máy tính của học sinh đã trả lại cho các em...

Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động dạy học trực tiếp ít diễn ra nhưng phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt” vẫn được phát động thường xuyên, liên tục. Công đoàn trường đóng góp 14,5 triệu đồng hỗ trợ kịp thời đoàn viên hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo; đóng góp quỹ phòng, chống Covid-19 hơn 30 triệu đồng; vận động gần 9 triệu đồng cùng các nguồn hỗ trợ khác đã đảm bảo 100% học sinh có thiết bị học trực tuyến. Hay chương trình “Chắp cánh ước mơ cho em”, tập thể trường đã đóng góp hỗ trợ kinh phí cho em Nguyễn Thị Tuyết Nhung, lớp 12A1 và tiếp sức cho em Nguyễn Vũ Toán, lớp 12A2 với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Chính nhờ sự tiếp sức đó mà Nhung và Toán đã có chi phí học đại học.

HƯỚNG ĐẾN TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Hướng đến xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, hiện nay, khuôn viên, cơ sở vật chất nhà trường đã có sự thay đổi khang trang, thân thiện hơn với nhiều hàng cây, ghế đá; trong mỗi lớp có góc học tập, không gian xanh do chính học sinh trang trí. Mỗi tập thể lớp có một góc lao động vườn trường để chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tạo không gian xanh. Việc chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, thu gom rác hằng ngày của chi đoàn các lớp góp phần xây dựng “trường học xanh, lớp học sáng”.

 Trường THPT Lê Quý Đôn luôn lấy 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là “yêu thương”, “an toàn” và “tôn trọng” để thực hiện. Học sinh của trường luôn được đối xử công bằng, nếu có vi phạm nội quy thì giáo dục bằng tình yêu thương, trách nhiệm kết hợp với phương pháp kỷ luật tích cực. Từ môi trường thân thiện đó đã hạn chế tối đa học sinh bỏ học cũng như việc xích mích, bạo lực trong trường. Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn khi trao đổi, thảo luận với giáo viên cũng như nêu lên đề xuất, kiến nghị của mình với lãnh đạo nhà trường.

Từ những việc làm thiết thực, không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Lê Quý Đôn còn là môi trường học tập tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ xây dựng đất nước trong tương lai.

Tác giả: Vũ Thuyên_Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VIDEO
Bộ giáo dục và đào tạo
Mas
Vnedu
Phần mềm quản lý
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay11,013
  • Tháng hiện tại332,382
  • Tổng lượt truy cập31,162,563
Thời khóa biểu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây