TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN VÀ HÀNH TRÌNH ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

Thứ ba - 26/12/2023 12:47

Trường THPT Lê Quý Đôn được thành lập ngày 29 tháng 8 năm 1999, nằm trên địa bàn xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
 
 
              Hình ảnh Hiệu trưởng và hiệu phó điều hành qua các thời kỳ
       Những ai có mặt từ buổi đầu trường mới thành lập chắc hẳn chẳng bao giờ quên được những khó khăn chồng chất: Phòng học thiếu, giáo viên (GV) thiếu, điện nước thiếu, chỗ ở thiếu… Chỉ có học sinh (HS) là…thừa.
 
       Như một phân hiệu của trường THPT Bù Đăng, sinh sau đẻ muộn, trường PTTH Lê Quý Đôn tiếp quản một lượng lớn học sinh của nhiều địa bàn như Phước Tín, Nghĩa Trung, Phước Sơn Đăng Hà, Thống Nhất, Đồng Tâm. Học sinh nhiều, phòng học thiếu nên phải học ba ca (Sáng – trưa – chiều), học cả ở nhà xe giữa bụi đất và tiếng ồn ào của xe cộ, có lúc gió xoáy nổi lên, bụi đỏ trùm lên lớp học, thầy và trò lấm lem trông thật tội nghiệp. Những giáo viên dạy cấp III của trường ngày ấy theo tiếng gọi của ngành GD – ĐT Bình Phước đã từ khắp mọi miền đất nước đến hội tụ tại trường  từ năm học 1999 - 2000 như thầy Nguyễn Bá Trường, thầy Lý Cao Hanh, thầy Nguyễn Mỹ Toàn, cô Phạm Thị Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Tâm, cô Võ Thị Ngọc Yến, rồi sau đó là cô Phạm Thị Ba, cô Phạm Thị Minh Hưng, thầy Nguyễn Ngọc Thắng, thầy Mai Văn Tám, thầy Võ Dũng (Đã mất), thầy Trần Tuấn Ngọc (Đã mất), thầy Bùi Huy Giáp, cô Võ Thị Quỳnh Trang, cô Nguyễn Thị Tuyến cùng nhiều thầy cô khác đến rồi đi như  một cơn mưa chiều bất chợt. Những giáo viên dạy cấp II kỳ cựu từ trường cấp I - II Đức Liễu ra như thầy Lê Văn Thanh, thầy Trần Minh Tám, thầy Đinh Kim Hoàng, cô Nguyễn Thị Bích Phương, cô Cao Thị Thủy, cô Từ Thị Ngọc Lan…cùng những thầy cô vừa tốt nghiệp CĐSP như  cô Huỳnh Thị Mỹ Lý, cô Trần Thị Quyên, cô Trần Thị Phượng, cô Lê Thị Thủy, cô Nguyễn Thị Bích Trang, cô Nguyễn Thị Minh Nhật, cô Nguyễn Thị Hòa, thầy Nguyễn Đình Hiền, thầy Võ Thành Nhân, thầy Võ Trọng Quỳnh, thầy Đinh Văn Bưu…đã xây dựng nên một mái nhà đầm ấm. Do thiếu giáo viên nghiêm trọng, đặc biệt là các môn tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học, kỹ thuật công nghiệp…mà hầu hết các GV đều phải dạy chéo môn. Các GV Văn, bên cạnh dạy thêm môn GDCD cấp III còn kèm thêm các môn khác như kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp cấp II. Các GV dạy Toán thì kiêm thêm môn công nghệ, thậm chí là đôn GV dạy cấp II lên dạy cấp III như môn Lý, môn Địa. GV dạy Địa thì dạy luôn cả Thể dục, v.v... Thế nhưng vẫn thiếu nên phải xin tăng cường từ các trường bạn như thầy Tân, thầy Bình của trường THPT Bù Đăng, thầy Thiêm của trường THPT dân tộc nội trú. Thời gian rảnh của GV hầu như không có, vừa dạy ca sáng về, chưa kịp ăn uống hoặc ăn qua quýt tô mì tôm lại phải lên lớp dạy ca trưa. Vừa hết ca trưa lại chuyển sang ca chiều. Công việc như vắt kiệt sức của  GV. Có GV dạy trên ba mươi tiết với nhiều môn khác nhau nên chấm bài là một trong những khâu chịu nhiều áp lực nhất, phải thức khuya dậy sớm mới hoàn thành công việc. Áp lực công việc nhiều nhưng cuộc sống thì vô cùng thiếu thốn, đồng lương ít ỏi. Hồi ấy giáo viên mới vào nghề với tấm bằng Đại học mỗi tháng chỉ có 607.000 đồng, hệ số lương 1,86, chi tiêu cứ hụt lên hụt xuống, ăn trước trả sau. Đa số ở nhờ khu tập thể Lâm trường, không ai có xe máy, cứ cuốc bộ lên, về gần một cây số để đi dạy ba ca, thở không ra hơi. Thầy Đào Mạnh Thảo (Hiệu trưởng) cùng trọ với tám GV ở một cái chái tạm bợ của nhà ông Trần  Dục gồm thầy Nguyễn Duy Tuyền, thầy Nguyễn Ngọc Thắng, thầy Đinh Văn Bưu, thầy Võ Dũng, thầy Mai Văn Tám, thầy Nguyễn Đình Hiền, thầy Bùi Huy Giáp, thầy Đoàn Nguyên Bình. Cả  nhóm phải mua sắm soong nồi, bát đũa, bếp núc, phân công nhau trực nhật, đi chợ, nấu ăn đúng như kỷ luật quân đội. Mặc dù vất vả nhưng cũng thật vui, nơi đây trở thành trung tâm thu hút GV trong trường đến tổ chức vui chơi, đàn hát, chuyện trò… để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
 
 
 
Trường được xây dựng mới năm 2011
      Thế rồi, dần dần nhà trường có xây dựng được vài căn phòng tập thể, một số GV mượn đất nhà trường để tự xây cất ổn định chỗ ở, một số GV về sau nữa thì thuê nhà dân ở theo nhóm,  như nhóm của thầy Nguyễn Văn Phát, thầy Ngô Đức Toàn, thầy Huỳnh Văn Thông, thầy Nguyễn Đức Tính, thầy Võ Thành Nhân, thầy Đoàn Vang…tạm thời giải quyết được khâu phải đi dạy xa nhưng mọi cái vẫn thiếu thốn nghiêm trọng, đặc biệt là : không có điện, không có nước, phải nhờ vả vào Ngân hàng và dân ở bên ngoài. Vẫn còn nhớ, nhà trường có một cái giếng đào nhưng nước rất ít, lúc nhiều nước nhất cũng chỉ quay được khoảng hơn một trăm lít nhưng đục ngầu phải để lóng xuống hai ba ngày mới dùng được. Thế mà tất cả phải chầu chực để quay nước, nhiều khi hai, ba giờ sáng vẫn còn nghe tiếng tay quay kẽo kẹt, nghĩ li mà rơi nước mắt. Thầy Huỳnh Văn Thông (Hiện nay là hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh) lúc ấy mới về  trường vẫn hay nhắc đến chi tiết quay nước để so sánh cuộc sống ngày ấy và bây giờ khác nhau một trời một vực. Nhưng cũng chính vì sự khó khăn đó mà tất cả các giáo viên của trường luôn yêu thương, đùm bộc lẫn nhau, cùng với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã từng bước xây dựng ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp.Thầy Nguyễn Bá Trường lúc ấy phụ trách lao động đã đôn đốc GV, HS đào từng gốc cây, múc từng xẻng đất để san lấp mặt bằng sân trường; huy động học sinh chặt tre lồ ô để làm bờ rào khuôn viên trường(Bởi vì trường chỉ có mặt trước là tường xây, ba mặt còn lại trống trơn, không có gì che chắn). Khi thầy Đỗ Văn Dâng về làm hiệu trưởng thay thầy Đào Mạnh Thảo (Xin về Đồng Xoài cho gần nhà), trường vẫn còn ngổn ngang, bề bộn, nhếch nhác. Tất cả lại tiếp tục hành trình cải tạo, làm rào lưới B40 thay cho rào tre lồ ô, làm đường bê tông vào cổng chính.  Rồi cũng chính GV tự tay cầm dụng cụ của thợ hồ gắn từng ghế đá, làm từng con đường bê tông trong khuôn viên nhà trường, làm sân cầu lông, làm sân khấu để biểu diễn văn nghệ và tổ chức những ngày lễ lớn cũng như để chào cờ đầu tuần. Nhà trường cũng phát động trồng cây xanh, tạo cảnh quan và bóng mát cho HS vui chơi, học tập ngoài trời. Những hàng cây xà cừ rợp bóng mát, cảnh quan nhà trường xanh – sạch – đẹp mà trường THCS Nguyễn Trường Tộ đang thừa hưởng chính là thành quả của những thế hệ GV và HS trường PTTH Lê Quý Đôn  xây dựng nên.
Những thế hệ GV đầu tiên của trường có lẽ không ai quên được thầy Đào Mạnh Thảo (Cố hiệu trưởng của trường) với tính cách hiền lành, hòa nhã, luôn động viên đồng nghiệp vào mỗi buổi sáng bằng câu hỏi: Các đồng chí đã có tình yêu chưa? Một câu hỏi đơn sơ mà đã khơi dậy bao niềm vui ở tuổi trẻ. Giờ thầy đã đi xa nhưng những kỷ niệm đẹp về thầy cùng những phẩm chất đáng quý sẽ luôn là hành  trang theo họ trong suốt sự nghiệp trồng người.
      Qua bao biến cố thăng trầm, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, trường THPT Lê Quý Đôn hôm nay đã thực sự  chuyển mình. Với quyết tâm xây dựng nhà trường thành địa chỉ giáo dục có thương hiệu trong khu vực và trong toàn tỉnh, các đồng chí từng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng điều hành qua các thời kỳ khác nhau đã quyết tâm xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển, tạo uy tín cho phụ huynh và lãnh đạo địa phương.
     Do sự phát triển nhanh chóng, ngày 11/01/2005 trường PTTP Lê Quý Đôn được tách ra theo Quyết định số 12/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Phước thành trường THPT Lê Quý Đôn và trường THSC Nguyễn Trường Tộ.
      Kể từ ngày chính thức mang tên trường THPT Lê Quý Đôn, nhà trường có 52 CB-GV-NV, trong đó có 45 GV trực tiếp giảng dạy. Số lượng HS cả 3 khối 10,11, 12 là 992 em, được chia thành 26 lớp. Do chuyển sang cơ sở mới nên nhà trường lại rơi vào tình trạng khó khăn mới. Toàn bộ chỉ có 08 phòng để học và làm việc, còn 10 phòng khác phải mượn của trường Nguyễn Trường Tộ, khó khăn cho việc phụ đạo và bố trí các phòng thư viện, thiết bị thí nghiệm, phòng vi tính. Khu tập thể GV có 02 phòng chỉ đủ cho 08 cô ở, còn lại phải đi thuê ngoài. Nhà vệ sinh chỉ có 01 cái, không đảm bảo về kỹ thuật và môi trường, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Nước sinh hoạt chưa đảm bảo, có thời điểm GV ở tập thể phải đi tắm, giặt nhờ nhà dân cả tháng trời. Những khó khăn ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của giáo viên. Tuy vậy, vượt lên hoàn cảnh,  cán bộ, giáo viên của trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, với lòng yêu nghề mến trẻ sẵn có của mình, đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý mà Đảng và nhà nước giao phó.
       Từ năm học 2010 - 2011, trường được xây mới khang trang, với tổng diện tích toàn trường 14.761 m2, gồm 27 phòng học, 08 phòng chức năng và cải tạo phòng học thành khu hành chính quản trị. Đến năm học 2021-2022, trường được xây mới nhà thi đấu đa năng và khu hành chính quản trị. Hiện nay, về cơ bản trường được trang bị hệ thống máy chiếu, bảng tương tác hiện đại ở các phòng học phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và học tập.
Trong những năm học vừa qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo các cấp, của Sở GD&ĐT Bình Phước, tập thể lãnh đạo quản lý cùng đôi ngũ Nhà giáo, nhân viên, học sinh toàn trường đoàn kết, năng động, sáng tạo, các hoạt động giáo dục của nhà trường luôn được đẩy mạnh, phát triển đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi, hội thi.
       Trải qua quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của  toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, với mô hình “Trường học Hạnh phúc”, Trường THPT Lê Quý Đôn đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào:
      Năm học 2019 - 2020, trường được UBND Tỉnh tặng Bằng khen cho đơn vị trường học đã đạt thành tích Tập thể lao động xuất sắc. Nhà trường được Sở GD & ĐT tặng giấy khen về thành tích : Đơn vị đạt kết quả cao trong kỳ thi HSG Tỉnh lớp 12 năm học 2019 – 2020.  Cùng với đó, Nhà trường cũng vinh dự đón nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc;  Đồng thời, cũng là đơn vị duy nhất trong tỉnh được Bộ công an tặng bằng khen vào năm 2021. Nhiều hoạt động phong trào như Hội khỏe Phù Đổng, Hội thao quốc phòng đạt kết quả cao; chất lượng đào tạo ngày càng khẳng định uy tín của nhà trường đối với địa phương trên địa bàn Huyện.
 


 
Đặc biệt trong thời gian dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, Nhà trường đã sát cánh cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Bộ y tế và Chính phủ, ủng hộ quỹ vắc - xin phòng chống dịch với số tiền hơn 33 triệu đồng. Chính vì thế Nhà trường đã được Liên đoàn lao động Tỉnh tặng Bằng khen đối với đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào phòng chống dịch (Theo Quyết định số 1058/QĐ - LĐLĐ ngày 15/10/2021).
Trong năm học 2021-2022, Trường THPT Lê Quý Đôn đã dẫn đầu Khối thi đua số 2 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua theo Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 10/3/2023, đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2021-2022 của tỉnh Bình Phước và 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen theo Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 17/2/2023, đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cô Lê Thị Bích Hạnh - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường
nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
    Với sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm thực hiện công tác Kiểm định chất lượng: Ngày 22/9/2022, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2829/QĐ-SGDĐT công nhận và cấp Chứng nhận đạt Kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2 và trước đó ngày 20/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-UBND công nhận và cấp Bằng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1  đối với Trường THPT Lê Quý Đôn. Đây là niềm vinh dự, tự hào và động viên vô cùng to lớn đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường.  
       Để đạt được những thành quả như hôm nay, cho phép tôi được thay mặt cho tập thể sư phạm và học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn xin được gửi lời cảm ơn và tri ân đến Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, Phòng QLCLGD, Đoàn đánh giá ngoài; Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng; lãnh đạo chính quyền địa phương; Ban đại diện CMHS đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trường THPT Lê Quý Đôn đạt kiểm định chất lượng Cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1. Tập thể sư phạm và học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tiếp tục giữ vững và phát huy những điểm mạnh, từng bước khắc phục những tồn tại, phấn đấu đạt chất lượng giáo dục cấp độ cao hơn và trong năm học 2022-2023, kết quả nhà trường đạt được đó là: Chất lượng giáo dục đại trà với 96,2% học sinh lên lớp; học sinh giỏi tăng 02 em so với năm học trước; 10 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 33 sáng kiến được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận và nhân rộng phạm vi ảnh hưởng ngành Giáo dục và Đào tạo; 03 tập thể và 15 giáo viên được các cấp tặng Bằng khen, trong đó Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Với tất cả sự tin tưởng và tự hào, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ luôn nỗ lực để khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Tác giả: Nguyễn Ngọc Thắng

 Từ khóa: hành trình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VIDEO
Bộ giáo dục và đào tạo
Mas
Vnedu
Phần mềm quản lý
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay1,654
  • Tháng hiện tại451,820
  • Tổng lượt truy cập31,282,001
Thời khóa biểu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây