Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người 

Thứ hai - 14/11/2022 09:52


         
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 
Sự nghiệp trồng người - giáo dục đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, sản phẩm của dạy học là tương lai của dân tộc. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện những lời dạy quý báu, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, về vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo đối với Tổ quốc, với nhân dân. 
Mỗi thầy cô giáo phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt. Vấn đề này càng có ý nghĩa lớn khi liên hệ, vận dụng vào tình hình hiện nay khi nhân loại đã có những bước tiến nhanh chóng về khoa học - công nghệ; khi Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trong thời đại như vậy, dừng lại, thậm chí  tiến chậm là bị tụt hậu, là bị thụt lùi so với dòng chảy của tri thức nhân loại. 
Mỗi nhà giáo phải xác định mục đích “Học để làm gì? Học để phục vụ ai?”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là: “học để làm việc”, biết làm việc vừa là năng lực, nhưng xét sâu xa nó lại đồng thời là đạo đức, là biểu hiện văn hóa chính trị của mỗi người. Hai là, “học để làm người”, người thầy có trách nhiệm hướng dẫn cho nhân dân, tức là gương mẫu, đòi hỏi và bắt buộc người khác làm tròn nghĩa vụ công dân. Ba là, học để “làm cán bộ”, tức là học để làm tròn chức trách của mình. Chỉ có học “biết làm việc”, “biết làm người” mới có thể “biết làm cán bộ” để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức nhà giáo yêu nghề, yêu trường thôi chưa đủ mà còn phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi đó là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, Bác còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”.
Song hành cùng đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, do đó tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Người thường dặn dò, các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,...
Một nguyên do căn bản mà Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra sản phẩm lỗi. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn” để có thầy giỏi thì rồi sẽ có trò giỏi. 
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Cùng với đó bản thân ngành giáo dục cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp như: thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy; mở nhiều lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho cán bộ, giáo viên ở các cấp học; các trường học thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy đã kích thích tính năng động, sáng tạo của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức…
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.
Trong những năm qua, cùng với ngành giáo dục nước nhà, thầy và trò trường THPT Lê Quý Đôn luôn nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, chi bộ và ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ nhà giáo vừa có tài, vừa có tâm, chú trọng đạo đức nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh bằng các hoạt động thiết thực, đó là việc cụ thể nội dung, chỉ thị, nghị quyết đề ra, khâu đột phá, cải tổ công chức, viên chức, người lao động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, gắn chỉ thị 05 của Bộ chính trị với phong trào thi đua, các cuộc vận động trọng tâm và làm theo lời Bác đã trở thành việc làm thường xuyên và liên tục tại cơ quan. Trải qua gần 23 năm xây dựng và phát triển, chi bộ và Ban giám hiệu trường luôn quan tâm, tạo cơ hội cho các thầy cô phát huy hết sở trường của mình, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh học tập dưới mái trường thân yêu.
Cuộc sống luôn cho ta nhiều cơ hội để lựa chọn, có người chọn niềm vui, thành công hay những lý tưởng khác nhau, với thầy cô trường THPT Lê Quý Đôn, chúng tôi chọn yêu thương, vì chỉ có sự yêu thương mới là động lực quan trọng để giúp tất cả quý thầy cô “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, và điều đó được thể hiện rõ nhất qua những thành tích mà chi bộ và nhà trường đã xuất sắc đạt được trong năm học 2021 – 2022 đầy khó khăn và vất vả do dịch bệnh Covid. Và những điều ấy cũng là minh chứng rõ ràng cho sự lãnh đạo sáng suốt, sự đoàn kết, đồng lòng của cả một tập thể.
 Đối với bản thân tôi, là một Đảng viên trẻ, luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt quy định của ngành, không ngừng phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản thân mình ngày càng tốt hơn. Mười ba năm về trường không phải là thời gian quá dài nhưng những thay đổi nơi đây đã làm cho tôi cảm thấy trân quý con người và nơi này hơn. Tự đặt ra cho mình mục tiêu để thay đổi và cố gắng, ngày qua ngày tôi đòi hỏi bản thân mình phải trưởng thành và thực hiện công việc tốt hơn. Tôi đã từng thất bại trong việc lắng nghe và hiểu học sinh cũng như đồng nghiệp của mình và tôi đã rất sợ vì điều đó, đôi lúc không đủ bản lĩnh để đối mặt với điều ấy và từng muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi biết rằng, nếu tôi không làm sẽ không ai làm thay tôi điều ấy, hãy để giấc mơ lớn hơn nỗi sợ hãi và hãy để hành động thay thế lời sáo rỗng. Cuộc đời này là của tôi, người khác có thể đi cùng tôi nhưng chẳng ai có thể thay tôi làm một việc gì cả. Do đó, tôi đã tự nhìn nhận lại cách sống, quan điểm cũng như cách tiếp nhận vấn đề từ học sinh để có biện pháp và hướng giải quyết đúng đắn. “Cảm xúc kẻ thù là số một của thành công” nên tôi phải biết kìm chế lại cảm xúc của mình, suy nghĩ và tìm hiểu thật kĩ trước khi giải quyết hay xử lí tình huống với học sinh và đồng nghiệp. Tôi vẫn còn nhớ năm học 2016 - 2017, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 11B6, đó là những em học sinh cũ từ lớp 10 lên. Tuy nhiên, lại có một em học sinh lưu ban chuyển vào lớp. Qua sự tìm hiểu từ giáo viên chủ nhiệm năm trước thì em này là một học sinh cá biệt. Trong khoảng 2 tuần đầu tiên, mọi sự sai phạm liên quan đến em  tôi đều có cảm giác khó chịu và hơi giận dữ, còn em vẫn im lặng. Có một lần lớp bị giờ B và em lại có tên trong sổ đầu bài với tội: nói chuyện trong lớp. Tôi đã rất tức giận và đã nói thật nhiều. Lúc đó, em ấy đã đứng lên và nói với tôi rằng “Cô chưa nghe em nói đã trách em rồi”, đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong hai năm chủ nhiệm em cãi lại tôi, nhưng sau đó lại là một tin nhắn “Em xin lỗi cô”. Tôi chợt giật mình và phát hiện ra rằng mình đã sai rồi, tôi chỉ chăm chăm nhìn vào “vết mực đen trên tờ giấy trắng” mà chẳng để ý đến những hình ảnh đẹp khác bên trong tờ giấy đó, tôi quên mất rằng tôi phải tìm hiểu vì sao em ấy lại như thế. Những ngày sau đó, tôi nói chuyện, quan tâm, bắt đầu giao nhiệm vụ và luôn động viên cậu học sinh ấy. Sai phạm vẫn còn nhưng không thường xuyên nữa, vẫn bài làm điểm thấp nhưng không bỏ học và ngủ trong lớp, thái độ không còn cộc cằn mà thay vào đó là chàng thanh niên tuổi 17 vui tươi, năng nổ và hoạt bát. Với sự cố gắng của chính bản thân và sự động viên, quan tâm của thầy cô và bạn bè, em  đã đỗ tốt nghiệp THPT. Đến giờ cậu học trò ấy vẫn chưa thành công nhưng điều quan trọng là em ấy vẫn là người tử tế, không sa ngã. Trước khi ra trường cậu học sinh đó đã nói với tôi rằng: “Cám ơn cô, tí nữa thì em đã đi nhầm đường”. Tôi cũng cảm ơn em vì đã giúp tôi trưởng thành, chín chắn, biết suy nghĩ và quan tâm nhiều hơn.
 Có thể, bây giờ tôi vẫn chưa làm được những điều mình muốn làm, đến những nơi tôi muốn đến nhưng quan trọng là tôi đã không còn dậm chân tại chỗ mà tôi đã ở nữa vậy có nghĩa là bản thân tôi đã tiến bộ từng ngày. Có đôi lúc khó khăn sẽ dễ dàng đánh gục bạn nhưng với sự yêu nghề, trách nhiệm và lương tâm của một người giáo viên tôi đã không cho bản thân mình buông bỏ, kiên định với sự lựa chọn ban đầu và mạnh mẽ bước về phía trước một cách kiêu hãnh nhất.
Bên cạnh trách nhiệm, người thầy còn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Mục đích của giáo dục là hướng đến chân – thiện – mĩ, đào tạo ra những con người vừa có đức, vừa có tài, tạo ra những đoàn viên, thanh niên thành những người thừa kế xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Do đó, tôi luôn chú ý đến hành động, lời nói và thái độ của mình đến đồng nghiệp, cha mẹ học sinh, học sinh và những người xung quanh. Người ta thường nói “Ngôn ngữ chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất trên đời này”. Một câu nói vô tình, một lời trêu chọc vô tâm, một câu phán xét, một lời đánh giá, chỉ trích đều có thể khiến ai đó tổn thương đến nỗi vỡ vụn. Vết thương ngoài da rồi sẽ lành theo năm tháng nhưng nỗi đau do ngôn từ gây ra sẽ không thể mất đi, dai dẳng đeo bám người ta mãi mãi. Thầy cô giáo cần sự tận tâm trong dạy chữ, dạy người giúp các em có hành trang bước vào đời, tránh dùng những từ ngữ thiếu mẫu mực, giao tiếp thiếu lịch sự với học sinh của mình để rồi đọng lại trong các em những điều không hay và sự chán nản trong học tập. Do đó trong quá trình dạy học, tôi luôn cố gắng tạo ra sự hứng khởi, vui vẻ trong các tiết học, thay đổi phương pháp dạy học một cách tích cực, những bài giảng của mình tôi luôn lồng vào đó những bài học về cuộc sống, tình yêu thương, thế giới quanh mình.
 Thực hiện chỉ thị 05, năm học 2021 - 2022 tôi đã đăng kí nhiệm vụ trong năm là “nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT”. Kết quả lớp 12A1 đạt trung bình 7,48 trên mặt bằng sở. Kết quả tuy chưa thật sự cao với những gì cô và trò đã nỗ lực trong năm học vừa qua nhưng tôi cũng cảm thấy vui điều ấy. Một năm học khó khăn trong cả cách truyền đạt và giao tiếp giữa thầy và trò dù vậy chúng tôi đã cùng nhau cố gắng thật nhiều. Sau những bài kiểm ra chưa cho kết quả tốt, các em đã tích cực hơn trong việc tự học, tương tác nhiều hơn với giáo viên, có những hôm cô và trò thức khuya hơn so với bình thường để cùng trao đổi bài qua những tin nhắn. Cũng trong năm học này, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 12A1, một vinh dự cũng như cơ hội để tôi trưởng thành hơn nữa. Có thể thời gian chưa đủ để cả cô và trò gắn kết, hiểu và trò chuyện với nhau nhiều nhưng các em luôn nghĩ về nhau. Những lời động viên, chúc mừng, chia sẻ và hợp tác làm việc online cùng nhau đều đem lại kết quả rất tốt. Chúng tôi đã có những phần quà nhỏ gởi tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn để các bạn ấy có một mùa xuân đầm ấm và đầy đủ, tham gia đầy đủ các cuộc thi do đoàn trường phát động. Vẫn còn đó những đêm thức cùng nhau để chờ kết quả thi rồi lại là việc xét vào các trường đại học và rồi chúng tôi cũng đã có kết quả thật khả quan: 100% đậu đại học trong đó 90% học sinh đậu nguyện vọng 1 đều là các trường top và các em yêu thích: Đại học bách khoa TPHCM, Học Viện An Ninh C500, Đại học kiến trúc TPHCM…Hạnh phúc đôi khi chỉ là một thoáng qua chẳng kéo dài mãi, và với tôi hạnh phúc là khi nhìn học sinh của mình đạt được ước mơ dù khó khăn vẫn không bỏ cuộc.
Năm học 2022 – 2023, tôi được phân công dạy các em học sinh khối 10 và chủ nhiệm lớp 10C2. Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới, yêu cầu cả người dạy và người học đều phải thay đổi để thích nghi. Các em mới bước vào môi trường học tập mới với nhiều sự khác lạ từ thầy cô, bạn bè, sách vở cũng như cách học tập nên tôi lựa chọn mình sẽ là một người bạn “đồng hành” cùng các em vượt qua giai đoạn khởi đầu khó khăn để các em đủ tự tin đi chặng đường kế tiếp dễ dàng hơn. Trong môi trường nào và ở đâu cũng thế, chúng ta đều có những đối tượng học sinh với tính cách và trình độ nhận thức khác nhau, quan trọng là bạn tiếp nhận những vấn đề ấy như thế nào. Tôi thường tâm sự với các em rằng “Cô không cần biết trong quá khứ của em có những điều gì đã xảy ra, tương lai của em luôn là một tờ giấy trắng thơm tho đang chờ các em viết lên nó. Quá khứ không tương đương với tương lai bởi vì ở giữa nó có hiện tại. Em không thể thay đổi được quá khứ, nhưng em luôn có thể thay đổi hiện tại của mình để tiến tới tương lai tốt đẹp hơn” và đó cũng như là lời động viên bản thân tôi cố gắng từng ngày.
Để có được những điều như ngày hôm nay, tôi xin cảm ơn chi bộ, ban giám hiệu, tổ Vật lí, anh chị em đồng nghiệp ở ngôi trường THPT Lê Quý Đôn yêu thương luôn tạo điều kiện và trao cơ hội để những giáo viên trẻ như tôi được sống trọn đam mê của mình. Chặng đường phía trước còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và khó khăn, nhưng tôi luôn tin rằng: tôi, “một sản phẩm đang hoàn thiện” ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua và ngày mai sẽ hơn thế nữa. Xin chúc cho quý thầy cô luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, luôn giữ lửa nhiệt huyết và đam mê để thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người cao quý./.
 

Tác giả: lê quý đôn trường, Võ Thị Thảo Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VIDEO
Bộ giáo dục và đào tạo
Mas
Vnedu
Phần mềm quản lý
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm123
  • Hôm nay7,661
  • Tháng hiện tại365,795
  • Tổng lượt truy cập30,736,740
Thời khóa biểu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây